Diễn đàn

Thành viên độc lập hội đồng quản trị cần hướng đến 'giá trị thật'

18/10/2024

Việc bổ nhiệm thành viên độc lập hội đồng quản trị ở nhiều doanh nghiệp mới chỉ nhằm phục vụ mục đích tuân thủ pháp luật hơn là nhắm đến giá trị thật.

Chỉ đáp ứng mục đích tuân thủ pháp luật

Minh bạch được coi là tiêu chí hàng đầu để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của hoạt động quản trị công ty, bảo vệ những lợi ích hợp pháp của cổ đông.

Một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản trị là vai trò, hiệu quả hoạt động của thành viên độc lập hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty.

Tuy nhiên, khảo sát của Hội Thành viên độc lập hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) lại cho thấy, việc thực thi các quy định về thành viên độc lập HĐQT ở các công ty đại chúng chưa được xem xét một cách cẩn thận.

Tỷ lệ tuân thủ có thành viên độc lập hội đồng quản trị theo ngành ở Việt Nam. Nguồn: VNIDA

Dù các quy định về thành viên độc lập HĐQT đối với công ty niêm yết có từ năm 2007 nhưng hiện nay việc bổ nhiệm vị trí này mới chỉ đơn thuần là để phục vụ mục đích tuân thủ hơn là nhắm đến giá trị thực sự.

Trong 544 công ty được khảo sát có 372 doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu tối thiểu về thành viên độc lập HĐQT, tương đương với tỷ lệ tuân thủ trung bình 68,4%.

Tỷ lệ tuân thủ quy định có thành viên độc lập HĐQT trong cách ngành cũng khác nhau.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng có tỷ lệ tuân thủ cao nhất với 100%, dịch vụ tài chính 81%. Bảo hiểm, tài nguyên cơ bản có tỷ lệ tuân thủ thấp.

Ngoài ra, thù lao của thành viên hội HĐQT thấp, cho thấy vai trò không quan trọng của vị trí này trong doanh nghiệp.

Theo Hứa Phương

 

Với 544 công ty niêm yết được khảo sát thì có 671 thành viên độc lập hội đồng quản trị.

Trong đó, 373 người không được công bố thù lao. Những thành viên được công bố mức thù lao, có 188 người nhận dưới 180 triệu đồng/năm.

Chỉ có 60 thành viên nhận mức 180 - 360 triệu đồng/năm.

Trung bình mức thù lao cho thành viên độc lập hội đồng quản trị tại các công ty niêm yết được khảo sát khoảng 550USD/tháng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Nâng vai trò của thành viên độc lập HĐQT

Để nâng cao vai trò của thành viên độc lập HĐQT, bên cạnh việc luật pháp cần quy định rõ ràng, vị trí này cũng cần được có các quyền phù hợp như tiếp cận thông tin, đưa ra ý kiến trong các lĩnh vực quan trọng của công ty như kiểm toán, đánh giá HĐQT.

Ngoài ra, bản thân các thành viên độc lập cũng phải không ngừng nâng cao kiến thức bản thân để đưa ra những tư vấn có giá trị chiến lược đối với HĐQT.

Theo ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch hội đồng thành viên RSM Việt Nam, thành viên độc lập HĐQT có thể nâng cao vai trò của mình thông qua việc tư vấn các luật mới cho HĐQT.

Đối với các ngành mang tính đặc thù, thành viên độc lập có thể nêu ý kiến với HĐQT để đóng góp trực tiếp với Chính phủ hoặc thông qua hiệp hội để những quy định khi áp dụng có tính thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Giai đoạn quy định bắt đầu ban hành, chuẩn bị thực thi, như Luật Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực ở Việt Nam trong năm nay nhưng áp dụng thế nào thì tất cả đều lúng túng. Lúc này, thành viên độc lập HĐQT phải nêu những vấn đề, thách thức và cả rủi ro cho HĐQT.

Giai đoạn quy định được vận hành vào năm đầu sẽ có những điều buộc phải sửa đổi do không phù hợp với thực tiễn nên thành viên độc lập nếu có kiến thức nên chung tay với HĐQT kiểm soát rủi ro đem lại hiệu quả, giá trị cho doanh nghiệp.

Từ thực tế của một công ty quản lý quỹ, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) nhận thấy việc đa dạng HĐQT ở Việt Nam đang được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Bà Giao cho biết, giai đoạn 2025 – 2006 có thời điểm PVI AM nắm giữ 30% đến 40% cổ phần của vài công ty nhưng không có chân trong HĐQT, do họ không sẵn sàng cho việc đa dạng hoá HĐQT.

"HĐQT chủ yếu là các thành viên trong gia đình người sáng lập”, bà Giao nói và cho biết thêm HĐQT đa dạng sẽ có nhiều góc nhìn, cách nghĩ khác nhau và dựa trên đó đưa ra các quyết định tốt hơn.

Thù lao của thành viên độc lập HĐQT cần được đưa vào chi phí hợp lý của công ty.

Còn theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó chủ tịch VNIDA, thành viên độc lập HĐQT phải gắn mình vào chiến lược, kết quả kinh doanh của công ty để những ý kiến đóng góp có vai trò như một "cái phanh", tạo sự cân bằng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Hủng, cũng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của thành viên độc lập khi các cổ đông có thể bị thiệt hại do chiến lược của HĐQT sai.

Thực tế, có nhiều thành viên độc lập HĐQT không có thông tin mà vẫn bỏ phiếu dẫn đến sai sót, dễ bị kiện.

“Thách thức lớn nhất của thành viên độc lập hội đồng quản trị là có bị kiện hay không. Hoặc khi bị kiện thì làm sao có thể chứng minh được những việc làm của mình là vì lợi ích của công ty, của cổ đông”, ông Hùng nêu vấn đề.

Bình luận

Quản trị doanh nghiệp có phân biệt giới tính?

Câu lạc bộ Giám đốc pháp chế doanh nghiệp thành lập với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ chuẩn mực...