Diễn đàn

Cần có 'văn hoá dữ liệu' trong thời đại số

15/10/2024

Dữ liệu được các chuyên gia tham dự VCGForum - Diễn đàn quản trị doanh nghiệp Việt Nam ví như một mỏ vàng, nhưng lại chưa được khai phá hiệu quả.

Mỗi tuần gia đình anh Quốc Dũng, Thanh Xuân, Hà Nội dành ra hai lần đi siêu thị mua sắm. Anh Dũng cho biết, tần suất gia đình anh đi siêu thị hiện nay đã nhiều hơn đáng kể so với trước đây đi chợ truyền thống.

"Trải nghiệm đi siêu thị ngày nay rất tiện lợi, nhanh chóng. Nhiều lúc gia đình tôi có cảm giác như siêu thị rất hiểu mình", người tiêu dùng này nói.

Chia sẻ của anh Dũng chính là mục tiêu của không chỉ các chuỗi siêu thị, bán lẻ trên cả nước, mà còn là đích đến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay.

Với mỗi trải nghiệm mua sắm, tìm kiếm sản phẩm, người tiêu dùng đã tạo ra các dữ liệu về hành vi tiêu dùng, sở thích, nhu cầu... Từ các dữ liệu này, doanh nghiệp sẽ vẽ lên chân dung khách hàng, tối ưu hoạt động tư vấn, bán hàng, cung ứng, sắp xếp nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy doanh thu và hiệu quả kinh doanh.

Ông Đinh Kiến Quốc, CEO Gimasys cho biết, việc ứng dụng dữ liệu vào hoạt động kinh doanh, quản trị đã được các doanh nghiệp lớn trên thế giới áp dụng từ lâu. Điển hình là những cái tên như Netflix, CocaCola, Uber...

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tận dụng dữ liệu hiệu quả, nhất là với hoạt động quản trị.

Ông Đinh Kiến Quốc, CEO Gimasys - Ảnh: Hoàng Anh

Ông Quốc trích dẫn số liệu từ Salesforce cho thấy, mới chỉ 30% doanh nghiệp hiện nay được quản trị có ứng dụng dữ liệu. Lý do là bởi các dữ liệu trong doanh nghiệp vẫn nằm phân tán, hoặc dữ liệu này chưa được khai thác hiệu quả.

"Nhưng đó chưa phải rào cản lớn nhất", CEO Gimasys khẳng định.

Theo ông Đinh Kiến Quốc, rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp đó là chưa có "văn hóa dữ liệu."

Quan điểm này cũng được ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Misa đồng tình. Ông Quang cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bước vào thời đại số, công nghệ dữ liệu hay cao hơn là trí tuệ nhân tạo (AI) càng nên được ứng dụng sâu hơn vào hoạt động quản trị.

Ở đó, dữ liệu và AI sẽ đóng vai trò giúp các nhà quản trị đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác và hiệu quả hơn, thay vì những quyết định cảm tính.

Đại diện Misa tin tưởng, "văn hóa dữ liệu" sẽ trở thành một văn hóa mới ở các doanh nghiệp. Văn hóa dữ liệu thúc đẩy các nhà quản trị đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, dữ liệu được chia sẻ và phân cấp trong doanh nghiệp, cũng như dữ liệu sẽ được phục vụ trong công việc hằng ngày của một doanh nghiệp.

Dòng chảy dữ liệu trong doanh nghiệp

Không chỉ được ứng dụng vào hoạt động quản trị, kinh doanh, vai trò của dữ liệu và AI còn được đề cao trong khía cạnh nhân sự.

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet khẳng định, công nghệ nói chung, dữ liệu nói riêng đang mở ra một hướng đi mới cho hoạt động quản trị nguồn nhân lực.

Theo bà Trinh, khác với môi trường làm việc truyền thống trước đây, mô hình làm việc trong thời đại mới sẽ ưu tiên tính linh hoạt. Trong đó, công nghệ, dữ liệu hay AI sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng với doanh nghiệp.

Nói cách khác, tương lai con người sẽ cần làm việc, chung sống cùng công nghệ. Chẳng hạn, AI ngày nay đã tham gia sâu hơn vào hoạt động tuyển dụng và nhân sự.

"Tương lai không xa, chính AI có thể tuyển dụng con người. Từ việc lọc đơn ứng tuyển, xây dựng hồ sơ ứng viên, xây dựng mô tả công việc, cho tới cả phỏng vấn trực tuyến", bà Trinh nhấn mạnh.

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet - Ảnh: Hoàng Anh

Tương tự, trong hoạt động quản trị truyền thông, vai trò của công nghệ, AI, dữ liệu cũng được ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros đánh giá cao.

Ông Vinh dẫn chứng về việc AI ngày nay có thể tham gia phân tích dữ liệu, từ đó giúp doanh nghiệp hiểu biết rõ hơn về khách hàng, xu hướng thị trường, đưa ra được những chiến lược truyền thông hiệu quả.

Đồng thời, AI có thể tự động hóa nhiều quy trình truyền thông trong doanh nghiệp, như tạo nội dung tự động, quản lý chiến dịch truyền thông, thậm chí là tạo ra các tương tác có chiều sâu với khách hàng.

Tất nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có những nghi ngại về AI trong hoạt động truyền thông doanh nghiệp, liên quan tới tính chính xác của thông tin.

Ngoài ra, việc tự động hóa quá nhiều cũng có thể dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát trong các tình huống cần tới sự can thiệp của con người.

Hoặc ở một số quốc gia phát triển, AI cũng gây ra những lo ngại về đạo đức và quyền riêng tư, khi công nghệ này đang ngày càng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng nhiều hơn mỗi ngày.

Theo Việt Hưng
TheLEADER

Bình luận

Quản trị doanh nghiệp có phân biệt giới tính?

Câu lạc bộ Giám đốc pháp chế doanh nghiệp thành lập với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ chuẩn mực...