Sở hữu trí tuệ

Quản trị tài sản tri thức: Việt Nam những ngày đầu 'chập chững'

15/10/2024

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Coteccons.. đã bắt đầu quan tâm đến hoạt động quản trị tài sản tri thức. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp trên thị trường vẫn còn "ăn xổi ở thì", chưa lưu trữ, hệ thống và khai thác nguồn tài sản tri thức quý báu của mình.

z4357990755459_f2e5cacd4b3bba3c45edb431cb0cba07.jpg
Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai của quá trình quản trị tri thức

 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia 2023 vào đầu năm nay, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết toàn bộ số lượng sáng chế của Việt Nam trong suốt 40 năm qua còn chưa nhiều bằng số lượng sáng chế của công ty Panasonic, tức là khoảng 50.000 sáng chế.

 

Đây là con số gây ngỡ ngàng đối với những người tham gia và cả những người biết đến thông tin. Bản thân con số này cho thấy Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai của quá trình phát triển quản trị tri thức!

 

Vẫn còn “ăn xổi ở thì”

 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Học viện doanh nhân MVV, điểm yếu của đa số doanh nghiệp Việt Nam đó là chưa đặt tri thức làm trọng tâm phát triển. Chính vì chưa coi trọng tri thức, nên việc lưu trữ và khai thác tri thức của các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có tính hệ thống.

 

“Mới chỉ số hóa dữ liệu thôi mà các doanh nghiệp đã chật vật trong suốt bao nhiêu năm, nói gì tới việc phân loại, đánh giá, làm giàu, sử dụng và cuối cùng là thương mại hóa tri thức được!”, ông Sơn nhận định.

 

Theo ông Thanh Sơn, đây là vấn đề về nhận thức chung, nhưng cũng là vấn đề về phong cách quản trị, lãnh đạo của doanh nghiệp. Đầu tư vào tri thức là đầu tư vào mục tiêu dài hạn, vào tầm nhìn chiến lược của cả bộ máy trong thời gian rất dài, nên khi biết rằng chưa có lợi nhuận nhãn tiền, nhiều chủ doanh nghiệp đã “lắc đầu lè lưỡi”, cho rằng không nên đầu tư.

 

“Nhưng liệu lãnh đạo của doanh nghiệp chỉ muốn quan tâm tới cái lợi ngay trước mắt, hay là muốn xây dựng cả một bộ máy có kinh nghiệm, kiến thức, văn hóa phối hợp ăn ý với nhau? Đó là câu hỏi mà lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu tâm trong quá trình kinh doanh. Nếu vẫn còn tư duy “ăn xổi ở thì” thì doanh nghiệp vẫn còn rất khó để nói chuyện cập nhật các hệ thống lưu trữ, chia sẻ tri thức, đào tạo văn hóa,” ông Sơn nhấn mạnh.

 

Nếu vẫn còn tư duy “ăn xổi ở thì” thì doanh nghiệp vẫn còn rất khó để nói chuyện cập nhật các hệ thống lưu trữ, chia sẻ tri thức, đào tạo văn hóa.
Ông Nguyễn Thanh Sơn
Giám đốc Học viện doanh nhân MVV

Thêm vào đó, theo thống kê của Tổng cục thống kê, 98% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn vốn và khả năng quản trị còn nhiều hạn chế. Khi đầu tư vào quản trị tri thức, các doanh nghiệp này có thể gặp một số bất lợi nhất định.

 

Thứ nhất, đầu tư vào quản trị tri thức đòi hỏi một khoản tiền đầu tư ban đầu, bao gồm việc thuê chuyên gia, mua sắm công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Với tài chính hạn hẹp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các chi phí này.

 

Thứ hai, khả năng quản lý tri thức của những doanh nghiệp này còn hạn chế. Quản trị tri thức đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và quản lý hiệu quả các nguồn tri thức, thông tin và dữ liệu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không có đủ nguồn lực và chuyên môn để triển khai hệ thống quản lý tri thức phức tạp và hiệu quả.

 

Thêm vào đó, thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu những công cụ thực tiễn để đo lường tác động của quản trị tài sản tri thức được xây dựng đặc thù cho môi trường Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp khó có thể hình dung và xác định được tác động thực tế của quản trị tri thức đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Đại học doanh nghiệp: Những điểm sáng đầu tiên

 

     Thế khó của Việt Nam trong quản trị tài sản tri thức 1

Ông Nguyễn Thanh Sơn,
Giám đốc Học viện doanh nhân MVV

Tuy vậy, theo ông Sơn, Việt Nam có nhiều điểm sáng về nguồn nhân lực trong việc vận dụng công nghệ và nhân sự vào quản trị tri thức. Việt Nam có số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, trẻ và ngày càng nhạy bén với cái mới, nắm bắt công nghệ rất nhanh, hiểu được đâu là điểm quan trọng, đặc biệt là trong cuộc cách mạng tri thức đang diễn ra.

 

Thêm vào đó, mặc dù là một quốc gia đang phát triển với khả năng công nghệ chưa cao bằng nhiều quốc gia trên thế giới, trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng và đội ngũ nhân lực trẻ, năng động, Việt Nam đang dần thu hẹp được khoảng cách này so với thế giới. Đây là những điểm mạnh đáng kỳ vọng đối với sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

 

Hiện tại, trên thị trường Việt Nam đã có một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ trẻ ý thức được tầm quan trọng của hoạt động quản trị tài sản trí tuệ và tài sản tri thức. Điển hình, một số doanh nghiệp đã thành lập đại học doanh nghiệp của riêng mình và thu được nhiều thành công như Viettel Academy, khối giáo dục của FPT…

 

Không chỉ những công ty công nghệ và dịch vụ, những công ty công nghiệp, sản xuất như CotecconsĐèo Cả… cũng bắt đầu xây dựng mô hình đại học doanh nghiệp, để có thể bảo tồn tri thức nội bộ, trao đổi tri thức giữa các cấp theo cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời xây dựng văn hóa, độ trung thành của nhân viên, giảm tỷ lệ chảy máu chất xám…

 

Theo ông Sơn, để có thể phát triển hoạt động quản trị tri thức, ngoài nguồn lực tự thân, các doanh nghiệp cũng cần có sự dẫn dắt, truyền thông của bộ máy chính quyền trong việc tuyên truyền về lợi ích của quản trị tài sản tri thức, đặc biệt là về khả năng làm tăng giá trị thương hiệu.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng rất cần có sự giúp đỡ của những đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong mảng quản trị tài sản tri thức, tài sản trí tuệ để hiểu hơn về quy trình, đồng thời biến quản trị tài sản trí tuệ thành những vấn đề gần gũi hơn với họ trong cuộc sống hằng ngày.

 

Nguồn bài: Tạp chí TheLEADER

Quản trị doanh nghiệp có phân biệt giới tính?

Câu lạc bộ Giám đốc pháp chế doanh nghiệp thành lập với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ chuẩn mực...