Quy chế hoạt động của hội viên vacd

HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
———- 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-oOo————- Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008

QUY CHẾ HỘI VIÊN
(Ban hành theo Quyết định số 61.08/CV.VACD
Ngày 10  tháng 10  năm 2008 của Ban chấp hành TƯ Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam)


Chương I
HỘI VIÊN


Điều 1. Hội viên của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam
Các tổ chức pháp nhân của Việt Nam, các công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp hoặc có liên quan đến quản lý, quản trị doanh nghiệp tán thành Điều lệ của Hội và tự nguyện làm đơn đăng ký gia nhập Hội đều có thể được công nhận là hội viên của Hội.
Điều 2. Các hình thức hội viên: 
 2.1 Hội viên tổ chức: Là tập thể các Hội đồng quản trị, tập thể Hội đồng thành viên, những doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học cũng như các tổ chức kinh tế và xã hội khác của Việt Nam được thành lập một cách hợp pháp có quan tâm đến việc phát triển hệ thống quản trị ở Việt Nam…
2.2 Hội viên cá nhân: gồm các chủ tịch, các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên trong các công ty, các tổng công ty, các giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu, luật sư và cá nhân khác có quan tâm đến phát triển hệ thông quản trị ở Việt Nam.
2.3 Hội viên danh dự: là các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, có uy tín, sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ Hội và được Thường vụ trung ương Hội mời làm hội viên danh dự.
2.4 Các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có quan tâm đến lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn đăng ký gia nhập Hội, được công nhận là Hội viên danh dự của Hội.
Điều 3. Hồ sơ xin gia nhập Hội
3.1 Các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tham gia Hội cần làm Đơn đăng ký gia nhập Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam theo mẫu quy định của Ban Chấp hành Hội (Mẫu chi tiết đính kèm).
3.2 Hồ sơ xin gia nhập Hội bao gồm:
a. Đối với hội viên cá nhân (bao gồm cả Hội viên cá nhân danh dự là người nước ngoài)
– Bản đăng ký đã điền đủ thông tin;  
– 02 ảnh cá nhân cỡ 4×6;
– 01 Bản sơ yếu lý lịch tự thuật; 
b. Đối với hội viên tổ chức (bao gồm cả Hội viên tổ chức danh dự nước ngoài)
– Bản đăng ký đã điền đủ thông tin, có xác nhận của tổ chức;
– Bản sao Giấy phép kinh doanh, Giấy phép hoạt động;
– Danh sách các cá nhân được tổ chức chỉ định đại diện tham gia hoạt động của Hội. Một tổ chức có thể đăng ký đề cử tối thiểu 02 cá nhân đại diện tham gia hoạt động của Hội;
– 02 ảnh cỡ 4×6 của mỗi cá nhân được tổ chức chỉ định;
Điều 4.  Xét duyệt và Kết nạp
4.1 Văn phòng TƯ Hội và Văn phòng đại diện của Hội tại các tỉnh thành, khu vực là nơi trực tiếp tiếp nhận, thẩm định và hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ xin gia nhập Hội.
4.2 Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định và ý kiến thẩm định của bộ phận tiếp nhận hồ sơ, Tổng thư ký xem xét và trình Chủ tịch Hội phê chuẩn kết nạp hội viên. Mỗi tháng xét kết nạp hội viên một lần vào cuối tháng.
4.3 Chủ tịch Hội ra quyết định kết nạp. Tuổi hội của hội viên được tính từ ngày ra quyết định. 
4.4 Văn phòng TƯ Hội và văn phòng đại diện của Hội tại các tỉnh thành, khu vực là nơi tổ chức kết nạp và trao thẻ Hội viên cho các Hội viên mới.

Chương II
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỘI VIÊN

Điều 5. Hội phí
5.1 Mức đóng hội phí
5.11. Hội viên cá nhân:  3.000.000 VNĐ/người/năm.
5.12 Hội viên tổ chức: 3.000.000 VNĐ/đại diện/năm. ( tối thiểu 2 đai diện)
5.13 Hội viên danh dự là công dân Việt Nam: Được miễn phí
5.14 Hội viên danh dự là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài: Mức phí tương tự như Hội viên chính thức nêu tại điểm 5.11 và 5.12.
Mức phí Hội viên phải nộp cho năm đầu tiên tham gia Hội được tính  như sau:
– Nộp 100% mức phí qui định nếu tham gia trong 6 tháng đầu năm.
– Nộp 50% mức phí qui định nếu tham gia trong 6 tháng  cuối năm.
5.2 Hình thức nộp hội phí: Bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản tại ngân hàng của Hội.
5.3 Thời hạn đóng góp hội phí: Hội phí phải được đóng trong vòng 15 ngày làm việc  kể từ ngày nhận được Thông báo xác nhận Hội viên và thu hội phí  đối với Hội viên mới và Thông báo thu hội phí hàng năm đối với Hội viên cũ của văn phòng Hội. Thông báo thu hội phí hàng năm sẽ được gửi đến hội viên qua đường thư điện tử. 
Điều 6. Nghĩa vụ của hội viên
6.1 Nghiêm chỉnh thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
6.2 Nghiêm chỉnh thực hiện các chuẩn mực nghề nghiệp quản trị do Hội ban hành.
6.3 Tham gịa đều đặn các hoạt động và sinh hoạt của Hội, hoàn thành nhiệm vụ của hội viên, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. 
6.4 Nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Hội, tuyên truyền phát triển hội viên mới, nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
6.5 Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn. 
Điều 7. Quyền lợi của hội viên
7.1 Quyền lợi chung 
7.11 Đối với Hội viên cá nhân
• Được tham gia các hoạt động của Hội, được phổ biến kinh nghiệm quản lý, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý bằng các hình thức: cung cấp thông tin, tài liệu, dự hội thảo, các lớp đào tạo, huấn luyện, chuyển giao công nghệ, tham quan, khảo sát ở trong nước và nước ngoài.
• Được giảm hoặc miễn các chi phí đào tạo, phí tham dự trong các khóa đào tạo và hội thảo do Hội tổ chức; được giúp đỡ, tạo điều kiện nâng cao trình độ, kiến thức về quản trị để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình  và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
• Được tham gia sinh hoạt và các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, xã hội do Hội tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
• Có quyền đề nghị Hội làm đại diện trước pháp luật hoặc đề nghị với các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
• Được nhận các ấn phẩm của Hội và các thông tin từ văn phòng Hội liên quan đến lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, các vấn đề về phát triển tổ chức Hội, hợp tác quốc tế, cũng như các sinh hoạt và hoạt động khác của Hội.
• Được tham gia các diễn đàn, truy cập miễn phí vào các cơ sở dữ liệu trên website của Hội.
• Được tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu với đại diện các cơ quan quản lý nhà nước do Hội tổ chức.
• Được thảo luận, chất vấn, phê bình mọi công việc của Hội; được quyền yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của cơ quan lãnh đạo Hội; được ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành của Hội, chi hội.
• Được tham gia giải thưởng “Nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc Việt Nam” do Hội tổ chức hàng năm.
• Hội viên được cấp thẻ hội viên với nhiều công dụng và ưu đãi của  Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam .
• Được quyền ra khỏi Hội theo nguyện vọng riêng của mình và có thể tham gia vào các Hội khác mà pháp luật không cấm. 
7.12 Đối với Hội viên tổ chức
• Các đại diện của Hội viên tổ chức được hưởng mọi quyền lợi như Hội viên cá
 nhân nêu ở mục 7.11.
• Được giảm hoặc miễn phí đào tạo, phí tham dự cho các cán bộ, nhân viên, khách hàng của mình trong các khóa đào tạo và Hội thảo do Hội tổ chức.
• Được yêu cầu Hội tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn trong nước và nước ngoài với các chuyên đề dành riêng cho Đơn vị và với mức phí ưu đãi.
• Được quảng cáo thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ 3 tháng miễn phí (kể từ ngày gia nhập Hội) trên website của Hội và được quảng cáo trong những tháng tiếp theo với mức phí ưu đãi.
• Được hưởng các ưu đãi về sản phẩm, dịch vụ do các Hội viên của Hội hoặc các đơn vị liên kết với Hội cung cấp.
• Được ưu tiên tham gia các chương trình phát triển thương hiệu, chương trình nghiên cứu và tư vấn, chương trình đầu tư… do Hội khởi xướng và thực hiện.
7.13 Hội viên danh dự không có quyền biểu quyết và quyền ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
7.2 Các quyền lợi cụ thể
Các quyền lợi cụ thể của từng hình thức hội viên sẽ được Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Hội quy định chi tiết và công bố trong từng thời kỳ.

Chương III
KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT

Điều 8. Khen thưởng
Các hội viên có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Hội, cho sự phát triển của nền quản trị Việt Nam sẽ được Hội khen thưởng và tôn vinh bằng các hình thức thích hợp.
Điều 9. Kỷ luật
Những hội viên vi phạm, không chấp hành Điều lệ, hoạt động trái với Điều lệ, Nghị quyết của Hội hoặc có hành vi làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Hội thì phải chịu kỷ luật, hình thức kỷ luật do Ban thường vụ xem xét quyết định như qui định tại điều 10 của quy chế này.
Điều 10. Chấm dứt tư cách Hội viên
Tư cách Hội viên sẽ không còn giá trị nếu xảy ra một trong những trường hợp sau: 
10.1 Doanh nghiệp, tổ chức tự ngừng hoạt động, bị đình chỉ hoạt động, bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.
10.2 Theo quyết định của Ban thường vụ Hội với sự nhất trí của hơn 50% Uỷ viên Ban thường vụ Hội khi Hội viên vi phạm một trong các điều sau:
a) Hoạt động trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
b) Hoạt động trái với mục đích của Hội, gây tổn hại đến uy tín của Hội.
c) Không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hội viên, thực hiện không đúng hoặc vi phạm nghiêm trọng những quy định hoặc Nghị quyết của Hội.
10.3 Tất cả các Hội viên khi bị tước quyền công dân thì đương nhiên bị xóa tên trong danh sách Hội viên. 
10.4 Hội viên tự nguyện xin rút khỏi Hội cần gửi đơn cho Ban thường vụ Hội và nộp lại thẻ Hội viên.
10.5 Quyền và nghĩa vụ của Hội viên chấm dứt sau khi Ban thường vụ Hội ra thông báo.
10.6 Văn phòng TƯ Hội thông báo danh sách Hội viên xin rút khỏi Hội, Hội viên bị khai trừ và Hội viên bị xoá tên cho tất cả các Hội viên khác được biết.

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành
Bản Quy chế này gồm 4 Chương, 11 Điều, có hiệu lực sau khi được BCHTƯ Hội  nhất trí thông qua.
Chỉ có BCHTƯ Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Quy chế hội viên của Hội.
Ban thường vụ Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn và thi hành bản Quy chế này./.

Nơi nhận:
– Hội viên VACD
– Lưu VP TƯ Hội
TM. BAN CHẤP HÀNH HỘI CÁC NHÀ QUẢN TRỊ 
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM